The One HCMC hơn 10 năm dở dang còn Saigon One Tower bị thu giữ để xử lý nợ; cả 2 siêu dự án ở trung tâm Quận 1 từng được kỳ vọng mang đến diện mạo mới cho TP.HCM.
Cùng nằm trên đất vàng trung tâm Quận 1, cả 2 tòa nhà The One HCMC và Saigon One Tower đang là những khối bê tông dở dang suốt hơn chục năm qua với những lần “thay tên đổi họ” rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu”. Một pháp nhân từng xuất hiện tại 2 tòa nhà này là Công ty Viva Land. Tuy nhiên, đơn vị này cũng không thể hoàn thiện công trình.
Siêu dự án có số phận long đong kỳ lạ ở trung tâm TP.HCM.
Tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 mới đây, bị cáo Trương Mỹ Lan khai đã trả hơn 7.000 tỷ đồng để mua lại The One HCMC trước khi bị bắt. Trong khi Saigon One Tower dù có chủ mới cũng chưa thể hoàn thiện.
Saigon One Tower lận đận sau 13 năm
Saigon One Tower – tên cũ là Saigon M&C Tower, nằm trên khu đất rộng hơn 6.670 m2 tại vị trí vàng góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt, Quận 1. Đây là dự án có vị trí đắc địa ở TP.HCM khi nằm bên sông Sài Gòn, ngay trung tâm Quận 1, đối diện với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án khởi công từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư 265 triệu USD, tương đương 5.000 tỷ đồng ở thời điểm đó. Dự án được kỳ vọng là tòa nhà cao thứ 3 Việt Nam với 42 tầng nổi và 5 tầng hầm, diện tích sàn khoảng 123.000 m2, được quy hoạch là tòa nhà thương mại cao tầng gồm văn phòng, căn hộ chung cư, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại.
Theo dự kiến ban đầu, Saigon One Tower hoàn thành trong năm 2011 là những công trình tổ hợp khách sạn – căn hộ cao cấp nổi bật của TP.HCM.
Nhưng sau 4 năm thi công, đến 2011, dự án phải dừng khi đã xong 80% phần thô. Từ đây, dự án bắt đầu 13 năm lận đận, trở thành khối bê tông hoang hóa bị nêu tên làm xấu bộ mặt thành phố.
Tòa nhà này cũng trải qua vài lần thay tên, đổi chủ. Chủ đầu tư đầu tiên là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C nên ban đầu tòa nhà có tên – cao ốc Sài Gòn M&C. Đây là liên doanh giữa M&C và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) – Công ty TNHH Đất Thủ đô.
Sau đó, chủ đầu tư đổi tên thành Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower và dự án cũng mang tên Sài Gòn One Tower.
Khi dự án dừng thi công, 1 năm sau, Đất Thủ đô thoái vốn, thay vào đó là nhóm cổ đông gồm DongA Bank, Chứng khoán DongA Bank, PNJ, nhưng rồi Saigontourist và PNJ cũng lần lượt thoái vốn trong năm 2015.
Sau thời gian bị bỏ hoang, Saigon One Tower được thế chấp cho khoản vay tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng tại Maritime Bank và DongA Bank, trở thành khoản nợ xấu.
Cuối 2015, chủ đầu tư dự án cao ốc Saigon One Tower bị Cục Thuế TP.HCM thông báo phong tỏa hóa đơn vì nợ thuế quá hạn hơn 4,6 tỷ đồng.
Tháng 8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ cao ốc này để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng. Đến giữa năm 2018, cao ốc Saigon One Tower được VAMC thông báo bán đấu giá để xử lý nợ xấu, với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Tài sản sở hữu là 14.954m2 diện tích thương phẩm của khu căn hộ cao cấp, quyền khai thác kinh doanh công trình xây dựng tầng hầm, văn phòng cho thuê và công trình phụ trợ. Tuy nhiên, qua nhiều lần đấu giá đều không thành công.
Đến năm 2021, trên công trình Saigon One Tower xuất hiện máy móc và công nhân xây dựng, với dấu hiệu thi công trở lại, dự án cũng đổi tên thành IFC One Saigon. Chủ mới là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land, một doanh nghiệp thành lập năm 2019, với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là pháp nhân xuất hiện trong dự án tứ giác Bến Thành cách Saigon One Tower không xa.
Trên trang web của Vạn Thịnh Phát ở thời điểm đó, Viva Land được giới thiệu là đối tác của tập đoàn này.
Đến tháng 8/2022, tòa nhà gây chú ý khi diện mạo bên ngoài được thay đổi hết sức long lanh. Thị trường tin tưởng Saigon One Tower sau hơn 10 năm hoang hóa đã được hồi sinh khi nhiều mảng kính ốp bên ngoài tòa nhà được tháo xuống và thay bằng những khối kính hình tam giác lạ mắt.
Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết dự án chỉ cho phép chủ đầu tư lắp kính mới thay lớp kính cũ đã xuống cấp bên ngoài tòa nhà để đảm bảo an toàn và chỉnh trang đô thị, các hạng mục khác không được làm vì còn chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ và giấy phép xây dựng.
Hiện dự án vẫn dừng thi công.
Siêu dự án tứ giác Bến Thành hơn 1 thập kỷ chỉ ồn ào thay tên
Khu tứ giác Bến Thành được mệnh danh là tứ giác “kim cương” vì có vị trí đắc địa nằm đối diện chợ Bến Thành, với 4 mặt tiền đường trung tâm Quận 1, nơi giá đất nóng bỏng trên dưới 500 triệu đồng/m2, nhưng hơn 10 năm qua vẫn mãi là khối bê tông dở dang với nhiều lần thay tên đổi họ.
Năm 2013, Bitexco được UBND Quận 1 chấp thuận đầu tư Khu tứ giác Bến Thành, và UBND TP.HCM giao đất có thu tiền sử dụng đất, để phát triển dự án, với tên đầy đủ là Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ ở – khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn Khu tứ giác Bến Thành. Dự án có tên thương mại là The One Ho Chi Minh City hay The One HCMC.
Dự án này là khu phức hợp rộng 8.600 m2 nằm đối diện chợ Bến Thành, Quận 1, với 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão – Calmette – Lê Thị Hồng Gấm – Phó Đức Chính.
Theo công bố, dự án được thiết kế gồm 2 tháp nối với nhau bằng khối đế. Trong đó, tháp A cao 55 tầng, có chức năng văn phòng, khách sạn với khối văn phòng ở các tầng dưới và khoảng 250 phòng khách sạn trên cao. Tháp B cao 48 tầng có 214 căn hộ. Tổng mức đầu tư 500 triệu USD.
Bitexco dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2017, sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc mới của TP.HCM. Nhưng đến 2018, dự án chỉ mới hoàn tất 6 tầng hầm.
Cũng năm 2018, Bitexco thành lập Công ty TNHH Saigon Glory, công bố chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Saigon Glory làm chủ đầu tư. The One HCMC cũng đổi tên thành The Spirit of Saigon.
Tháng 10/2019, Khu tứ giác Bến Thành khởi động trở lại, có sự tham gia của một pháp nhân mới, là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Uniprime trong vai trò nhà phát triển.
Năm 2020, Saigon Glory đã huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư dự án, cơ cấu nợ. Tài sản bảo đảm được định giá hơn 18.550 tỷ đồng gồm 100% vốn góp tại Saigon Glory thuộc sở hữu của Bitexco và tài sản hình thành trong tương lai của tháp A dự án.
Và dự án được tái khởi động, các tầng tháp dần hoàn thiện trong năm 2020.
Đến đầu năm 2021, Công ty TNHH Saigon Glory thay đổi đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Bitexco không còn đứng tên là công ty mẹ. Cũng thời điểm này, dự án lại đổi tên thành One Central HCM và đơn vị phát triển là Masterise Homes. Dự án lại khởi động nhưng chỉ xây thêm vài tầng rồi Masterise Homes âm thầm rút lui.
Tháng 8/2022, Công ty Viva Land xuất hiện thế chỗ Masterise Homes, dự án lại đổi tên thành The Pearl. Nhưng từ đó đến nay công trình tiếp tục dừng thi công, vẫn là khối bê tông ngay trung tâm đắc địa nhất của TP.HCM.
Ngày 18/9/2024, Bitexco ra thông báo chuyển nhượng 100% vốn góp tại Saigon Glory cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.
Tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2 của vụ an Vạn Thịnh Phát chiều 1/10, bị cáo Trương Mỹ Lan khai Tập đoàn Bitexco đang trong giai đoạn chuyển nhượng dự án Khu phức hợp tứ giác Bến Thành cho bà Lan thì bà bị bắt. Cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tiết lộ giá trị của dự án hiện nay là hơn 100.000 tỷ đồng.
Bà khai trước khi bị bắt, bà và Chủ tịch Tập đoàn Bitexco có thỏa thuận miệng về việc sẽ tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng. Trong đó, bà đã nhiều lần chuyển cho Bitexco số tiền 7.000 tỷ đồng. Tổng cộng bà và bạn đã chuyển cho phía Bitexco gần 16.000 tỷ đồng.
Trương Mỹ Lan cho biết thêm bà có nói với Chủ tịch Bitexco sau này nếu bán dự án cho ai thì bà xin lại 7.000 tỷ đồng và 30% giá trị của 7.000 tỷ đồng. Bây giờ đơn vị nào tiếp nhận dự án trên thì phải thanh toán tiền cho bà, và bà sẽ dành để khắc phục hậu quả vụ án.
Đại diện Bitexco cũng thừa nhận đã nhận 15.712 tỷ đồng từ bà Trương Mỹ Lan để thực hiện dự án khu tứ giác Bến Thành, số tiền này hiện đã hòa nhập vào hoạt động của tập đoàn.
Hà Linh – Lương Ý .nguồn VTC News