Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link hoặc file nén, lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR là ba hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay, theo cảnh báo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tin này được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại họp báo chiều 5-10.
“Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn có những hình thái mới tinh vi hơn” – đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá.
Theo Cục An toàn thông tin, trong tháng 9-2023, cục đã ghi nhận ba hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất, gồm:
Một là, hình thức lừa đảo giả mạo website. Cụ thể là lợi dụng sự kiện ra mắt của Apple để lập các website giả mạo, quảng cáo bán iPhone 15 với khuyến mãi hấp dẫn, đề nghị người mua đặt cọc tiền, hay giả mạo website nền tảng Ticketbox lừa đảo bán vé concert Westlife…
Hai là, hình thức lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén thông qua việc thu thập và đánh cắp thông tin cá nhân của học sinh bằng những đường link “khảo sát”; phát tán mã giới thiệu ứng dụng siêu thị trực tuyến có chứa mã độc…
Hình thức lừa đảo phổ biến thứ ba là lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.
Mã QR này dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin cá nhân, mã OTP hoặc tới các trang quảng cáo cờ bạc để cài mã độc vào thiết bị của người dùng.
“Riêng trong tháng 9, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã ngăn chặn triệt để 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến” – Cục An toàn thông tin cho biết. Cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng liên tục giám sát, cảnh báo và tổ chức điều phối các doanh nghiệp ISP ngăn chặn các tên miền giả mạo, lừa đảo ngay khi phát hiện.
Từ thực tế nói trên, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác, lưu ý thực hiện các biện pháp để tránh bị lừa đảo.
Trước hết là không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng không quen biết, không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định.
Người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền.
“Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk, .tv… Vì vậy người dùng không truy cập các đường link lạ” – các chuyên gia an ninh mạng dẫn chứng cụ thể.
Hiện nay việc sử dụng QR Code ngày càng phổ biến nhưng đồng thời kẻ xấu cũng lợi dụng việc này để lừa đảo. Vì vậy, người dùng cần cẩn trọng trước khi quét mã QR code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email.
“Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết” – Cục An toàn thông tin hướng dẫn.
Thanh Hà .nguồn tuoitre.vn