Cả nước mới có trên 300 công trình xanh, TP.HCM đứng đầu về số lượng

Việt Nam có hơn 300 tòa nhà đạt tiêu chuẩn công trình xanh, song so với tiềm năng lại là con số quá khiêm tốn khi dư địa lẫn nguồn vốn xanh đang dồi dào. Doanh nghiệp cần làm gì để tiếp cận nguồn lực này?

Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng: Cơ hội và thách thức” do Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị tổ chức ở TP.HCM với nhiều hoạt động chính trong ngày 28-9. Trong đó, nhiều chuyên gia đã chia sẻ cách để doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh.

Doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp công trình xanh tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023. Tại sự kiện, nhiều chuyên gia đã tư vấn các giải pháp tài chính xanh – Ảnh: NGỌC HIỂN

TP.HCM dẫn đầu về công trình xanh

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Tường Văn – thứ trưởng Bộ Xây dựng – cho biết hiện Việt Nam chưa có quy định bắt buộc đối với công trình xanh mà do các cơ quan quản lý khuyến khích, doanh nghiệp tự nguyện xây dựng. Tới nay, có trên 300 công trình đạt tiêu chuẩn công trình xanh với tổng diện tích khoảng 7,2 triệu m² sàn.

Trong đó, số lượng các công trình xanh tăng lên những năm gần đây và đa dạng loại công trình từ khách sạn, trung tâm thương mại, nhà xưởng đến công trình văn phòng, trụ sở các cơ quan…

Theo ông Văn, hiện TP.HCM đứng đầu cả nước về số lượng công trình xanh với 67 công trình và đứng thứ 2 về diện tích sàn được chứng nhận công trình xanh với tổng diện tích 1,3 triệu m².

“Dù số lượng công trình xanh đã tăng đáng kể nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hằng năm, con số này còn khá khiêm tốn, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới”, ông Văn nói.

Tăng cường tiếp cận nguồn tài chính xanh

Tuần lễ thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự – Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại phiên thảo luận về tài chính xanh cho các doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình, bà Maria Joao Pateguana – chuyên gia phát triển khối tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – cho biết dù tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn manh mún trong khi các nhà đầu tư còn e ngại bởi chi phí cho công trình xanh khá đắt đỏ và nhà đầu tư chưa nhìn nhận hết giá trị của công trình xanh.

Ngoài ra, bà Maria Joao Pateguana cho rằng hiện ở Việt Nam cũng thiếu các đơn vị cung cấp tài chính xanh, bản thân các doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn, tài chính xanh. Vì vậy, ADB sẽ hỗ trợ, xây dựng năng lực để các chuyên gia, thị trường và doanh nghiệp thúc đẩy việc tiếp cận tài chính xanh.

Trong khi đó, bà Đỗ Ngọc Diệp – quản lý chương trình Công trình xanh và thích ứng biến đổi khí hậu của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – thông tin năm 2023, tổ chức này đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào các dự án xanh ở Việt Nam. Việc tiếp cận các gói tài chính xanh là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng cường nguồn lực tài chính.

Đơn cử, IFC cam kết đầu tư tới 3.500 tỉ đồng vào các trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do Công ty cổ phần BIM Land và công ty con là Công ty cổ phần Thanh Xuân phát hành.

Theo đó, trái phiếu liên kết bền vững này sẽ cung cấp vốn ưu đãi cho hai công ty phát hành tăng cường tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các khách sạn sẽ đạt tiêu chuẩn EDGE – hệ thống chứng nhận công trình xanh của IFC.

Năm ngoái, IFC cũng thông báo đã đăng ký mua trái phiếu trị giá khoảng 44 triệu USD của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long. Khoản đầu tư này nhằm hỗ trợ Nam Long phát triển nhà ở xanh bền vững cho người lao động tại một thành phố vệ tinh gần TP.HCM.

Theo bà Diệp, nguồn tài chính xanh được ví như doanh nghiệp thay vì đi trên một con đường duy nhất trong gọi vốn thì có thể đi được trên con đường song hành, do đó bà Diệp khuyến khích doanh nghiệp phát triển các công trình xanh để tiếp cận nguồn tài chính xanh từ các tổ chức tài chính.

Compare listings

Compare