Ngành công nghiệp tỷ USD đang rộng cửa, Việt Nam quyết không bỏ lỡ cơ hội vàng

Việc các quốc gia lớn trong ngành có chiến lược hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này tạo cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thành lập song song tại Hoa Kỳ và Hàn Quốc từ năm 1968 và đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, Amkor Technology là doanh nghiệp đầu tiên tạo ra sản phẩm bán dẫn tại Hàn Quốc. Doanh nghiệp này đóng vai trò tiên phong và mang lại thành công, tiếng vang về lĩnh vực bán dẫn cho Hàn Quốc

Hiện tập đoàn có 20 địa điểm kinh doanh, sản xuất trên toàn cầu với 30.000 nhân viên tại 8 quốc gia. Amkor Technology đang cung cấp hơn 3.000 giải pháp công nghệ cao cho các ứng dụng khác nhau, như ô tô, viễn thông, giải trí, máy tính và các sản phẩm công nghiệp; đóng vai trò đối tác sản xuất chiến lược cho nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu.

Amkor niêm yết trên thị trường chứng khoản Nasdaq của Hoa Kỳ năm 1998 và lọt vào danh sách S&P400. Năm 2022, doanh thu của công ty đạt 7 tỷ USD và 1,5 tỷ USD trong quý 1/2023.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Amkor đặt mục tiêu mở rộng thị trường sản xuất và mong muốn Việt Nam trở thành cứ điểm quan trọng, là cột trụ trong mạng lưới hoạt động và phát triển về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn trong tương lai.

Mới đây, tập đoàn này đã khánh thành nhà máy bán dẫn tại Khu Công nghiệp Yên Phong 2 (tỉnh Bắc Ninh). Nhà máy tại Bắc Ninh có tổng số vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động và tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Tại buổi tiếp đón của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ông Ji Jong Rip, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc toàn cầu của Tập đoàn công nghệ Amkor, Thủ tướng Việt Nam mong muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo tinh thần “đi tắt đón đầu” để “đi sau về trước”; đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển, đề án phát triển nguồn nhân lực cùng với thể chế, chính sách, cơ chế phù hợp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất, thiết kế bán dẫn hàng đầu của thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Hàn Quốc vào Việt Nam, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để tạo điều kiện nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và từng bước tham gia chuỗi giá trị ngành bán dẫn.

Việt Nam sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu đào tạo được 50.000 nhân sự từ nay tới năm 2030. Việt Nam cũng chủ trương xây dựng hệ sinh thái ngành bán dẫn quốc gia với sự tham gia của các bên: Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức tài chính.

Ngành bán dẫn đang là miếng bánh hấp dẫn đối với nhiều quốc gia. Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Tại Việt Nam, cách đây ít ngày, Công ty Hana Micron Vina tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang mới đây cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại Miền Bắc.

Việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong công cuộc phát triển nền kinh tế, trong đó đổi mới công nghệ bằng cách chuyển đổi kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ này. Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện tại, ngành công nghiệp bán dẫn đang có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam. Việt Nam có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn, như Viettel, VNPT, FPT, CMC.

Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

Pha Lê .nguồn Phụ Nữ Thủ đô

Compare listings

Compare