Nhật chính thức chấm dứt lãi suất âm

Đây là lần đầu tiên lãi suất tại Nhật tăng lên sau 17 năm, chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới…

Nhật Bản vừa chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm, đánh dấu bước dịch chuyển lịch sử khỏi chương trình siêu nới lỏng tiền tệ được triển khai để ứng phó tình trạng giảm phát nhiều năm trước.

Trong thông báo trên trang web chính thức, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo nâng lãi suất ngắn hạn lên mức “khoảng 0-0,1%”, từ mức âm 0,1%. Đây là lần tăng lãi suất lần đầu tiên tại Nhật kể từ năm 2007.

Kể từ cuối những năm thập niên 1990, nhằm ứng phó với tình trạng giảm phát, BOJ thực hiện kết hợp chính sách tiền tệ truyền thống và phi truyền thống, bao gồm duy trì lãi suất 0% hoặc lãi suất âm, thực hiện các đợt mua lại trái phiếu chính phủ quy mô lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, khi lạm phát và lãi suất trên thế giới tăng lên thời gian qua, áp lực chấm dứt chính sách lãi suất âm đối với BOJ ngày càng lớn. 

Theo hãng tin CNN, tuần trước, các công đoàn và doanh nghiệp lớn tại Nhật đồng loạt thông báo quyết định tăng lương, mở đường để BOJ tăng lãi suất. Trong đó, hãng xe lớn nhất nước này Toyota nhất trí tăng lương mạnh nhất trong 23 năm cho công nhân viên làm việc tại các nhà máy của hãng.

Dù mức tăng không lớn nhưng đây là lần đầu tiên lãi suất tại Nhật tăng lên sau 17 năm. Trước ngày 19/3, BOJ là ngân hàng trung ương cuối cùng trên thế giới áp dụng lãi suất âm.

“BOJ hôm nay vừa chấm dứt kỷ nguyên chính sách tiền tệ khác biệt của Nhật”, các nhà phân tích tại Morgan Stanley nhận xét trong một báo cáo công bố ngày 19/3. “Đây có thể được xem là một chu kỳ thuận lợi để tăng tăng trưởng GDP, tiền lương, giá cả và lợi nhuận doanh nghiệp”.

Cũng trong thông báo chấm dứt lãi suất âm, BOJ thông báo sẽ từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC). Được thực hiện từ năm 2016, chính sách này nhằm kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức quanh 0%.

Theo thông báo trên, BOJ dự báo lạm phát tại Nhật có thể tăng lên trên mức 2% trong năm 2024. Cơ quan này cam kết tiếp tục mua lại trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài ở với mức độ tương đương như trước đây, đồng thời khẳng định tiếp tục duy trì các điều kiện tài chính thích ứng.

Tính thích ứng (accommodative) là từ được dùng để mô tả chính sách tiền tệ điều chỉnh các điều kiện bất lợi của thị trường và thường bao gồm việc duy trì lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

Dù là động thái được thị trường mong chờ, một số chuyên gia cho rằng tác động từ việc tăng lãi suất ở Nhật không lớn. Ông Izumi Devalier, giám đốc nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Bank of America Securities, cho rằng quyết định ngày 19/3 của BOJ chỉ mang tính biểu tượng, và tác động thực tế không nhiều bởi lãi suất vẫn ở quanh mức 0%. 

Dự báo thời gian tới, các nhà kinh tế tại Capital Economics cho rằng BOJ sẽ không tăng lãi suất thêm.

“Năm nay, dù tiền lương tại các doanh nghiệp tăng mạnh, chúng tôi cho rằng lạm phát vẫn ở mức thấp hơn mục tiêu của BOJ. Do đó, cơ quan này sẽ không cần thiết phải tăng lãi suất thêm”, báo cáo của Capital Economics nhận định.

Tuần này, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, bao gồm Fed, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có cuộc họp chính sách đánh dấu bước ngoặt quan trọng tại các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Đức Anh – nguồn Vneconomy.vn

Compare listings

Compare