Tăng trưởng ấn tượng, một lĩnh vực của Việt Nam được dự báo có thể cán mốc kỷ lục 800 tỷ USD vào cuối năm

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, nếu duy trì đà tăng như hiện tại, một lĩnh vực của Việt Nam sẽ xác lập kỷ lục mới, bỏ xa mốc 732 tỷ USD từng đạt được trong năm 2022. Và hoàn toàn có thể kỳ vọng đạt mốc kỷ lục 800 tỷ USD.

Những con số tăng trưởng ấn tượng

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết, bức tranh xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2024 đã có nhiều tín hiệu tích cực. Điều này đang tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 và tháng 8 đều vượt 70 tỷ USD. Riêng tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu so với năm 2022, năm kỷ lục về xuất nhập khẩu, dù kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD, nhưng chưa có tháng nào trong năm có kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt tới 70 tỷ USD (tháng cao nhất chỉ đạt 67,1 tỷ USD).

Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Báo cáo lý giải, sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục là 37,59 tỷ USD, kết quả cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với mức 36,24 tỷ USD của tháng 7.

Trong 8 tháng năm 2024 , kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng gần đây liên tục đạt mức cao, trung bình trong 8 tháng năm 2028, kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 33,1 tỷ USD/tháng, trong khi đó con số trung bình kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2023 chỉ đạt 31,7 tỷ USD/tháng.

Tính đến hết tháng 8/2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).

Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng qua đạt giá trị lớn nhất 233,3 tỷ USD, chiếm 88% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,92 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 6,31 tỷ USD, chiếm 2,4%.

Kết quả có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, cũng như sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, không thể không kể đến xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá.

Về nhập khẩu, số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ 8 tháng năm 2024 đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%.

Trong 8 tháng năm 2024 có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%). Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất 93,9%, đạt 230,95 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê đánh giá, nhập khẩu hầu hết đều tăng ở các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước tiếp đà hồi phục.

Kỳ vọng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 800 tỷ năm 2024

Theo tính toán, để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 800 tỷ USD, thì tốc độ tăng năm 2024 so với năm 2023 cần phải đạt tối thiểu 17,5% (năm 2023 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD), với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng là 290 tỷ USD, bình quân mỗi tháng là 72,5 tỷ USD.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê đánh giá, dựa trên quy luật nhiều năm, hoạt động xuất, nhập khẩu thường diễn ra sôi động, tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV thường cao hơn các quý khác.

Với tốc độ tăng 8 tháng năm 2024 là 16,7% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng gần nhất đều vượt 70 tỷ USD, cùng với diễn biến quy luật hoạt động xuất, nhập khẩu các tháng cuối năm thì kỳ vọng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 tăng 17,5% so với năm 2023, đồng thời đạt mốc 800 tỷ USD là khả thi.

Mặc dù thị trường xuất khẩu đang phục hồi với nhiều đơn đặt hàng, song xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu nhân công, chi phí sản xuất tăng cao, cùng các yêu cầu khắt khe và các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu.

Chỉ số Phong vũ biểu thương mại hàng hóa mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố hôm 5/9 cho thấy, tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu nhiều khả năng duy trì ở mức khả quan trong quý III năm nay. Còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Lúc này đang là cao điểm với các nhà sản xuất trong nước để chốt các đơn hàng cuối năm, với những doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng thì lo nguyên liệu, nhân công để điều phối sản xuất, giao hàng đúng hẹn.

Hoàng Nguyễn .nguồn Nhịp sống Thị trường

Join The Discussion

Compare listings

Compare