Thị xã sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, quy mô hoạt động top 7 thế giới đang trong quá trình chuẩn bị trở thành thành phố cảng đầu tiên ở Đông Nam Bộ.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây vừa ban hành quyết định về Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thị xã Phú Mỹ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của chương trình nhằm cụ thể hóa và phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030; Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung thị xã Phú Mỹ.
Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu xây dựng thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố và được công nhận là đô thị loại II, trong đó phấn đấu đạt các tiêu chí về chất lượng hạ tầng của đô thị loại I; đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của Vùng Đông Nam Bộ.
Chương trình phát triển đô thị thị xã Phú Mỹ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được ban hành nên chưa có quy hoạch chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh thị xã Phú Mỹ vươn mình thành thành phố Phú Mỹ phát triển hiện đại trong tương lai do ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Chương trình phát triển đô thị thị xã Phú Mỹ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được lập trong phạm vi gồm toàn bộ phạm vi địa giới hành chính hiện nay của thị xã Phú Mỹ, với 10 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 5 phường Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa, Tân Phước và 5 xã Châu Pha, Sông Xoài, Tân Hải, Tân Hòa, Tóc Tiên, có diện tích khoảng 33.302 ha.
Với diện tích khoảng 334 ha, thị xã Phú Mỹ nằm dọc theo quốc lộ 51, cách TP.HCM khoảng 60 km, cách TP. Vũng Tàu khoảng 40 km và TP. Bà Rịa khoảng 20 km. Từ thị xã đến sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng tại huyện Long Thành, Đồng Nai) trong vòng 30 phút.Theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng.
Thị xã Phú Mỹ đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng thu ngân sách năm 2022 là 30.625 tỷ đồng. Trong danh sách 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, Phú Mỹ dù là một thị xã nhưng có số thu chỉ thấp hơn 12 tỉnh dẫn đầu. Thu ngân sách của thị xã Phú Mỹ gần tương đương với tổng số thu của 11 tỉnh xếp cuối bảng cộng lại.
Hiện tại, Thị xã Phú Mỹ đang có nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là công trình cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Trong tương tai, Phú Mỹ sẽ là thành phố cảng đầu tiên của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Tọa lạc tại thị xã Phú Mỹ, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải có quy mô 934,4 ha và quỹ đất dự trữ khoảng 201 ha, chiều rộng bến cảng 600m, độ sâu mặt nước từ 14-16m. Hiện nay, 21 cảng trong cụm cảng này đều có thể đón tàu có trọng tải 200.000 tấn. Trong tháng 6/2024, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải được Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) và S&P Global Market Intelligence xếp thứ 7 thế giới về chỉ số CPPI. Cái Mép – Thị Vải thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, hàng năm đóng góp cho ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.
Cảng Cái Mép – Thị Vải là cảng biển có nhiều lợi thế khai thác với những con số ấn tượng, tọa lạc ở vị trí được xem như là thuận lợi nhất ở Đông Nam Á và có sức chứa lớn nhưng cụm cảng này vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế hàng đầu, chưa thu hút được các hãng các tàu lớn vì thiếu hệ sinh thái logistics. Vì vậy, Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ ra đời.
Với tổng mức đầu tư lên đến 6,7 tỷ USD cùng với quy mô diện tích hơn 2.200ha, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành xây dựng. Trung tâm này khi được hoàn thiện sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ tất cả các đầu mối giao thông, từ đường bộ, đường biển, đường sắt cho đến hàng hàng không; là trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, sơ chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn, phân phối hàng hóa phục vụ các KCN lân cận, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Vũng Tàu và cả khu vực cảng biển Đông Nam Bộ
Tính đến nay, thị xã Phú Mỹ có chín khu công nghiệp tập trung với tổng số vốn đầu tư hơn 16,3 tỷ USD và ba cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, chiếm gần 60% diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh, quy tụ hàng nghìn doanh nghiệp tham gia đầu tư và thu hút lực lượng lớn lao động làm việc. Trong năm 2023, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 thu hút thêm khoảng 1,7 tỷ USD, nâng tổng vốn dự kiến đầu tư vào khu công nghiệp đạt khoảng 4,3 tỷ USD (tương đương 110.000 tỷ đồng).
Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu quyết tâm xy dựng và phát triển Phú Mỹ trở thành thành phố gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển; trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh và Vùng, đô thị cảng – công nghiệp phát triển bền vững, cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đông Nam Á và quốc tế và là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về dự kiến điều chỉnh đơn vị hành chính, thành lập mới các xã, phường và thành lập thành phố Phú Mỹ, đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ không thay đổi về số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Thành lập các phường Tóc Tiên, Tân Hòa, Tân Hải thuộc thị xã Phú Mỹ từ nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số các xã cùng tên.
Thành phố Phú Mỹ được thành lập với 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó khu vực nội thị dự kiến gồm 8 phường, trong đó 5 phường hiện hữu (Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa, Tân Phước) và 3 phường dự kiến thành lập mới (Tóc Tiên, Tân Hòa và Tân Hải). Khu vực ngoại thị dự kiến gồm xã Châu Pha và Sông Xoài.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, là đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh và của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giữ vai trò chiến lược, được định hướng phát triển năm mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gồm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Việc xây dựng đề án thành lập thành phố Phú Mỹ là tiền đề để thị xã tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo tiêu chí cao hơn, nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị và phát triển kinh tế-xã hội tương xứng với vị thế, tiềm năng là trung tâm công nghiệp, cảng, dịch vụ, du lịch và là đầu mối giao thông quan trọng của Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía nam”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Năm 2022, thị xã Phú Mỹ có tổng thu ngân sách trên địa bàn là 30.625 tỷ đồng. Nếu so sánh tương quan với 63 tỉnh, thành trên cả nước thì Thị xã Phú Mỹ có số thu chỉ thấp hơn 12 tỉnh dẫn đầu, cao hơn Bắc Ninh, Thái Nguyên, Khánh Hòa…
Thu ngân sách Thị xã Phú Mỹ gần tương đương với tổng số thu của 11 tỉnh xếp cuối bảng (Sóc Trăng – 4.800 tỷ đồng, Bạc Liêu – 4.100 tỷ đồng, Kon Tum – 1.690 tỷ đồng, Đắk Nông – 3.600 tỷ đồng, Ninh Thuận – 3.420 tỷ đồng, Tuyên Quang – 2.662 tỷ đồng, Hà Giang – 2.565 tỷ đồng, Lai Châu – 2.059,5 tỷ đồng, Điện Biên – 1.463 tỷ đồng, Cao Bằng – 3.966 tỷ đồng) cộng lại.
Thái Hà .nguồn Đời sống và Pháp luật