“THACO, Vingroup, Viettel, FPT… đã trở thành những doanh nghiệp lớn vươn tầm khu vực và thế giới”

Chiều nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị. Ảnh: VGP

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Cộng đồng doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ lời tri ân sâu sắc và cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương đã luôn ủng hộ, kiến tạo và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cách đây 19 năm, vào ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Quay trở lại khoảng 37 năm về trước, Chủ tịch VCCI chia sẻ, kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ nằm trong sự bủa vây của khó khăn, cuộc sống nhọc nhằn, 50% số hộ trong cả nước là hộ nghèo.

“Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đã như làn gió mùa Xuân đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu.

Theo đó, vào đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, số lượng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lúc đó chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, cùng với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI cũng như các hợp tác xã, khu vực kinh tế tư nhân chính thức đã có tới gần 900 nghìn doanh nghiệp.

Với số lượng doanh nghiệp chính thức như hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người.

“Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, HĐH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Nhờ sự phát triển của khối doanh nghiệp này, quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong TOP40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Từ đó, đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.

Ông Công nhấn mạnh, với việc xác định doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước.

Theo Chủ tịch VCCI, cùng với việc tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng nâng cao, năng lực và khả năng hội nhập quốc tế cũng có bước tiến rõ nét.

Dẫn chứng rõ ràng nhất đó là sự xuất hiện của những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển. Tiêu biểu có: Tập đoàn THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Tập đoàn TH, Geleximco, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Doji, Vinamilk, Lộc Trời, Thái Bình Shoes (TBS), Tổng công ty Kinh Bắc,…

Theo Chủ tịch VCCI, có thể gọi đội ngũ doanh nhân hiện nay là các doanh nhân thời kỳ đổi mới. Quá trình hình thành đội ngũ doanh nhân thời kỳ đổi mới đến nay có thể chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn hình thành sau đổi mới, kéo dài 20 năm từ khi đổi mới đến năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO. Tiếp theo là giai đoạn hội nhập quốc tế, kéo dài từ năm 2007 đến nay đã gần 20 năm, với những bước tiến mạnh mẽ về trình độ, năng lực từng bước tiệm cận khu vực và thế giới.

Hiện nay giới doanh nhân đang bước vào giai đoạn 3, hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, tức cũng kéo dài khoảng 20 năm.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển

Cũng tại buổi gặp mặt, ông Phạm Tấn Công báo cáo nhanh một vài tâm tư, nguyện vọng chính của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Về tư tưởng, giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho cho Việt Nam phát triển, tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới.

Do vậy, để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế, đây là lúc Việt Nam cần khơi dậy tinh thần kinh doanh trong giới kinh doanh, khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết của đội ngũ cán bộ công chức.

“Nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam và chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng khát vọng trở thành quốc gia phát triển sẽ thực hiện được”, ông Công cho hay.

Về phát triển doanh nghiệp, theo Chủ tịch VCCI, điều các doanh nghiệp mong muốn và việc quan trọng đề xuất làm ngay lúc này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi… Các doanh nghiệp bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về việc vừa ban hành Quyết định 25 để tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất cho năm 2023, kịp thời gỡ khó phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp.

Về các giải pháp trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định xây dựng ngay từ bây giờ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết các FTA; Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Về chính sách và môi trường kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của các địa phương, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp cũng mong muốn được phát huy vai trò để hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho các doanh nghiệp và là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Mong muốn Nhà nước đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, mạnh dạn hơn trong việc giao cho các hiệp hội doanh nghiệp các nhiệm vụ, các dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hiệp hội.

Cần xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật tạo điều kiện để các hiệp hội DN có đủ năng lực tham gia cung cấp các dịch vụ công. Làm được như vậy Nhà nước vừa giảm được áp lực về kinh phí và nhân lực, vừa nâng cao vai trò của hiệp hội DN, phù hợp với chương trình cải cách hành chính đang được triển khai thực hiện ở nước ta hiện nay.

Một mong muốn nữa của các hiệp hội là nâng cao vai trò trong tham gia xây dựng và phản biện chính sách, Nhà nước có cơ chế để các bộ, ban, ngành khi xây dựng, ban hành văn bản chính sách mới phải tiến hành lấy ý kiến của hiệp hội DN có liên quan. Việc lấy ý kiến phải thực chất, không làm chiếu lệ, hình thức, quy định rõ trách nhiệm của hiệp hội doanh nghiệp trong việc cho ý kiến, đảm bảo đúng thời gian và trình tự thực hiện.

Hoàng Nguyễn .nguồn Nhịp sống Thị trường

Compare listings

Compare