Lên thành phố, Bình Chánh muốn trở thành đô thị sông nước giống Trùng Khánh của Trung Quốc?

Theo ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, quy hoạch là hướng lâu dài, nhưng trước mắt huyện muốn trở thành đô thị xanh…

TP.HCM kết nối với 13 tỉnh thành miền Tây qua huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, Bình Chánh vẫn là “vùng trũng về văn hóa, giao thông, hạ tầng”.

Khu vực huyện Bình Chánh, TP.HCM.

ĐỊNH HƯỚNG MÔ HÌNH ĐÔ THỊ

UBND huyện Bình Chánh đã phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức hội thảo khoa học “Đề án xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM” vào cuối tuần qua.

Theo ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, huyện có vị trí là cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, cách trung tâm thành phố 20 km, diện tích 252,56 km2, dân số hơn 815.000 người, tốc độ đô thị hóa nhanh…

Nhìn qua tỉnh Long An (địa phương sát bên cạnh) đang quy hoạch phát triển hai tuyến vành đai lớn, một tuyến 6 làn xe kết nối hạng mục với thành phố qua đường Nguyễn Văn Linh. Huyện Cần Giuộc của tỉnh này đang có đề án lên thành phố. Theo ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, Một bên phát triển như vậy, thì thấy Bình Chánh đang là “vùng trũng”.

“Bình quân mỗi năm Bình Chánh tăng cơ học 40.000 dân, chiếm 5% dân số hiện hữu. Chỉ cần 3 năm, dân số của huyện sẽ tăng thêm 120.000 người, đủ để trở thành một đô thị”, ông Lưu nhấn mạnh.

Định hướng phát triển hạt tầng theo nhóm không gian Huyện Bình Chánh (Nguồn: nhóm nghiên cứu HIDS).

Theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh, hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phải đáp ứng tiêu chí dân số từ 150.000 người trở lên; diện tích hơn 150 km2; có hơn 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65%…

Còn tiêu chuẩn lên quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: mật độ dân số đạt từ 10.000 người/ km2; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên; hạ tầng đô thị đồng bộ và hoàn chỉnh…

Đối chiếu với các tiêu chí trên, HIDS cho rằng tiêu chuẩn lên quận khó đạt, khi Bình Chánh còn nhiều xã thuần nông.

“Trong khi tiêu chí lên thành phố thuộc TP.HCM thì Bình Chánh dễ dàng đạt được các tiêu chuẩn về diện tích, dân số và tỷ lệ cấp phường/xã. Vì vậy, huyện Bình Chánh phải chọn mô hình chuyển đổi lên thành phố trực thuộc TP.HCM, để tổ chức triển khai thực hiện là phù hợp”, HIDS nêu.

Góp ý tại hội thảo, bà Đỗ Thị Hiệp, nguyên Chủ tịch huyện Bình Chánh, cho rằng huyện Bình Chánh có nhiều sông, ngòi và các kênh rạch. Chỉ cần chỉnh trang, cải tạo cùng với triển khai các tiêu chí khác, sẽ đưa Bình Chánh trở thành đô thị sông nước.

“Có lẽ nên chăng huyện Bình Chánh phát triển thành đô thị sông nước giống mô hình của thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Đây là đặc điểm của TP.HCM mà không ở đâu có. Chúng ta cần tận dụng đường sông, từ chợ Đệm lên Bình Lợi, đầu tư để có tuyến đường sông đẹp, thông thương tốt”, bà Hiệp nhấn mạnh. 

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Đề án xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM” – Ảnh: PA.

Theo Th.S Nguyễn Hoàng Mỹ Lan (HIDS), về tiêu chí lên thành phố thì phân loại đô thị, Bình Chánh vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt, trong đó có tổng cộng 07 tiêu chí trong phân loại đô thị loại III chưa đạt. Bảy tiêu chí này gồm: tỷ lệ đất giao thông so với đất đô thị, mật độ đường giao thông, tỷ lệ hồ sơ chưa qua xử lý dịch vụ công trực tuyến, mật độ đường cống thoát nước chính, quy chế quy hoạch quản lý kiến trúc đô thị, công trình xanh, khu chức năng đô thị khu đô thị mới…

“Nhìn chung, kế hoạch cải thiện 7 tiêu chí về phân loại đô thị từ đây đến năm 2025 là khả thi, ngoại trừ tiêu chí về mật độ đường giao thông (đạt tối thiểu 6 km/km2) đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, mới có thể hoàn thành”, bà Lan nói.

Để lên quận hay thành phố, huyện Bình Chánh cần đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông, ông Vương Quang Hưng, Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết.

Theo ông Hưng, hạ tầng đô thị của huyện rất kém, trong khi đây là cửa ngõ kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, huyện có lợi thế để phát triển giao thông đô thị, vì TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung đến 2030 và tầm nhìn 2060, trong đó, có tính đến các tuyến giao thông lớn.

Một thuận lợi khác là huyện có Vành đai 3, Cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua. Ngoài ra, còn có hai dự án lớn là cao tốc TP.HCM – Trung Lương và đường sắt nối TP.HCM – Cần Thơ đều đi qua huyện. 

Bên cạnh đó, TP.HCM có dự án phát triển hệ thống đường sắt đô thị từ 200km hiện nay lên 500km, có nhiều đoạn hướng về huyện Bình Chánh. Cùng với tiềm năng đường thủy sẵn có, do đó, quy hoạch phát triển giao thông sẽ thuận lợi hơn.

“Về nguồn lực, TP.HCM đang thí điểm mô hình TOD (mô hình đô thị dọc các dự án giao thông) dọc theo Vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị. Với tiềm năng đất đai dồi dào, huyện cần tận dụng mô hình này để tạo thêm nguồn lực phát triển”, ông Hưng, nhận định.  

HUYỆN SẼ QUYẾT TÂM THỰC HIỆN?

Tại hội thảo, ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho rằng để hoàn thành các tiêu chí thực hiện “Đề án Đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030”, huyện cần thực hiện 4 nhiệm vụ.

Thứ nhất, huyện cần tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị để phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để thu hút đầu, phát triển kinh tế xã hội…

Thứ hai, tiếp tục nâng chất, giữ vững các tiêu chí đạt được; tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành các tiêu chí chưa đạt từ nay đến năm 2025…

Thứ ba, triển khai thực hiện các giải pháp để đạt các tiêu chí theo quy định đô thị loại III đến năm 2025, gắn với giải pháp phát triển theo định hướng chung của huyện Bình Chánh đến năm 2030.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh 

“Địa phương xác định Bình Chánh trở thành thành phố phức hợp về nhiều mặt, như: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục… Đội ngũ cán bộ huyện cần quyết tâm đưa huyện Bình Chánh lên thành phố để thống nhất hành động.

Trong thời gian tới, huyện Bình Chánh cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM sẽ đề xuất, trình UBND TP.HCM về việc cần thiết phải có một Nghị quyết chung cho Bình Chánh”.

Thứ tư, triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc Hội, trong đó tập trung thực hiện các dự án giao thông trọng điểm qua địa bàn Bình Chánh; tăng cán bộ, công chức, sắp xếp bố trí nhân sự đối với các xã trên 50.000 dân để cơ bản đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Huyện Bình Chánh có chiều dài gần 60 km nhưng hẹp ngang, chia làm 3 khu vực rõ ràng với điều kiện, định hướng phát triển khác biệt. Theo đó, phía Bắc đang phát triển công nghiệp và tính đến là đô thị sáng tạo, thương mại dịch vụ nhà ở. Phía Nam với các xã Bình Hưng, Phong Phú, Hưng Long định hướng phát triển đô thị hành chính. Ở giữa huyện sẽ thực hiện trung tâm đô thị hành chính, y tế kỹ thuật cao.

Theo định hướng, từ nay đến năm 2025, 11 xã sẽ lên phường, 4 xã còn lại sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị.

Thí dụ, xã Hưng Long đang là xã thuần nông nhưng nếu thành phố sắp xếp lại khu Nam, với đường vành đai 3, Nguyễn Văn Linh và khu đô thị đại học 500 ha, nơi đây trở thành đô thị.

Tuy nhiên, nếu vẫn giữ quy hoạch của huyện với 60% đất là nông nghiệp, 40% phi nông nghiệp và trong nhóm phi nông nghiệp chỉ có 12% là đất ở. Như thế không thể phát triển được.

Ông Nam cho rằng địa phương xác định Bình Chánh trở thành thành phố phức hợp về nhiều mặt, như: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục… Đội ngũ cán bộ huyện cần quyết tâm đưa huyện Bình Chánh lên thành phố để thống nhất hành động.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, huyện Bình Chánh có thể chuyển đổi sang mô hình thành phố thuộc thành phố vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này, đến năm 2030, huyện cần đầu tư nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, cải tạo môi trường… Tổng vốn đầu tư ước khoảng 122.695 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn xã hội hóa.

Join The Discussion

Compare listings

Compare