EVN lý giải cơ sở tăng giá điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, việc điều chỉnh giá điện lần thứ 2 trong năm 2023 đã được tính toán cẩn trọng nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Theo Quyết định 1416/QĐ-EVN, từ ngày 9/11/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 4,5%. Đại diện EVN khẳng định, việc điều chỉnh giá điện lần thứ 2 trong năm 2023 (lần 1 điều chỉnh ngày 4/5/2023 với mức tăng 3%) đã được EVN tính toán cẩn trọng nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Ông Nguyễn Đình Phước – Kế toán trưởng EVN cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Cụ thể, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu: “áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” và “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ của EVN cũng được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, tại khoản 5 Điều 3 của Quyết định này quy định: “Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất” và khoản 2 Điều 3: “Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành”.

Cũng theo ông Phước, năm 2023 có một số thông số đầu vào ảnh hưởng đến chi phí của EVN. Cụ thể, sản lượng thuỷ điện giảm gần 17 tỷ kWh do hạn hán và El Nino kéo dài. Giá nhiên liệu cũng duy trì ở mức rất cao khi giá than năm 2023 tăng 29 – 46% so với mức áp dụng năm 2021. Giá dầu cũng tăng khoảng 18% so với năm 2021. Đặc biệt tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh gần 4% đến thời điểm hiện nay và ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của EVN. Trong khi đó, sản lượng thủy điện (nguồn điện giá rẻ) giảm gần 17 tỷ kWh so với năm 2022; sản lượng các nguồn nhiệt điện than, khí, dầu lại huy động tăng mạnh, để bù cho sản lượng thủy điện bị hụt.

Đại diện EVN thông tin, trong cơ cấu giá thành hiện nay, chi phí mua điện chiếm 83% chi phí giá thành của ngành điện. Gần 17% còn lại là chi phí của khâu truyền tải, phân phối. Để hạn chế tác động tăng giá, EVN cũng yêu cầu các đơn vị triệt để tiết giảm chi phí, cắt giảm chi phí như tiết kiệm chi phí thường xuyên 15%; chi phí sửa chữa lớn cắt giảm ở mức rất cao; tiết kiệm tối đa trong công tác quản trị…

“Giá bán lẻ điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội, EVN đã đề xuất tăng giá điện thấp hơn mức tăng chi phí thực tế. Việc tăng giá điện giúp EVN tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng. Số tiền này giúp EVN giảm bớt khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao” – ông Phước nói.

Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết thêm, việc điều chỉnh giá điện lần này vẫn chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá (hơn 14.000 tỷ đồng) của các năm trước đây. Trước đây, số tiền chênh lệch tỷ giá sẽ được chia nhỏ vào các đợt điều chỉnh giá điện, tuy nhiên, trong giai đoạn 4 năm vừa qua, toàn bộ các khoản chênh lệch tỷ giá này vẫn đang được treo lại vì nếu tính vào giá điện sẽ khiến giá tăng rất mạnh.

Theo số liệu đánh giá của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào, dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 chỉ tăng khoảng 0,035%. “EVN đã báo cáo các Bộ, ban, ngành, đánh giá tác động của CPI và xin ý kiến Chính phủ cho điều chỉnh giá điện” – đại diện EVN nói.

Tăng giá điện tác động rất ít đến hộ nghèo, chính sách xã hội

Theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng; hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam nhận định, đối với khách hàng, việc điều chỉnh giá điện là một khoản phải chi thêm. Tuy nhiên, nếu không tăng giá điện trong khi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho EVN. Ông Hùng đánh giá, khi điều chỉnh giá điện, Nhà nước cũng như ngành điện luôn hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp. Cụ thể, với mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân này, thì những hộ tiêu thụ điện ở bậc 1 và bậc 2 (đa số là những người thu nhập thấp) vẫn được tiêu dùng điện với mức giá dưới giá điện bình quân.

Hoàng Tú .nguồn Báo Pháp luật

Compare listings

Compare